Trước hàng loạt vụ cháy quán karaoke gây thiệt hại về người và của trên cả nước, khiến cộng đồng không khỏi bàng hoàng, xót xa. Từ đó đặt ra thực trạng về công tác phòng, chống cháy nổ, nguyên nhân, khả năng thoát nạn an toàn khi có cháy xảy ra tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar. Qua đó, nhằm ngăn chặn, phòng ngừa. UBND tỉnh và Công an tỉnh đã ra quân, mở các đợt cao điểm rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm, đình chỉ các cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh.
Theo thống kê toàn tỉnh có 120 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Công an tỉnh đã phối hợp thành lập 12 đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Đoàn kiểm tra do Công an tỉnh chủ trì kiểm tra; UBND các huyện, thành phố thành lập 11 đoàn liên ngành kiểm tra các cơ sở trên địa bàn với những nội dung về: Công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (PCCC – CNCH), cấp phép kinh doanh, xây dựng và quản lý an toàn điện; điều kiện về an ninh, trật tự...
Thượng tá Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC - CNCH, cho biết: “Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn Phòng Chính phủ; UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2806 về việc tăng cường công tác quản lý an ninh, trật tự, PCCC đối với cơ sở karaoke, quán bar, vũ trường. Phòng đã phối hợp với các địa phương ra quân kiểm tra đột xuất. Qua kiểm tra cho thấy cơ bản các cơ sở đều có nhận thức về công tác quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh trên; có ý thức chấp hành tốt khi được kiểm tra, cam kết khắc phục sai phạm, thiếu sót trước khi hoạt động trở lại… Tuy nhiên, phần lớn cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn tỉnh đều được cải tạo từ nhà ở hộ gia đình nên công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đối với các cơ sở thuộc phụ lục V, Nghị định 136/2020/NĐ-CP gặp rất nhiều khó khăn”.
Các cơ sở kinh doanh cũng bộc lộc không ít hạn chế và vi phạm, như: Chưa bảo đảm lối thoát nạn thứ 2 tại mỗi tầng, chưa thực hiện việc mua bảo hiểm cháy, nổ theo quy định; chưa thực hiện nghiêm việc tổ chức kinh doanh theo quy định, số phòng hát sai với đăng ký kinh doanh, cửa phòng hát sử dụng chốt trong; người đứng đầu cơ sở chưa quan tâm đến việc an toàn đối với các thiết bị điện; việc sử dụng thiết bị điện vượt quá công suất trong hợp đồng, thi công hệ thống điện chưa đảm bảo, không thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện; chủ đầu tư chưa nắm chắc các hướng dẫn trong quá trình cải tạo, sửa chữa đối với công trình… Qua đó, Phòng đã kiến nghị khắc phục 143 thiếu sót, xử lý cảnh cáo 5 trường hợp, phạt tiền 23 trường hợp với số tiền 386 triệu đồng và tạm đình chỉ 21 cơ sở.
Nhằm khắc phục sai phạm, chị Nguyễn Thị Tám, chủ quán karaoke Thủy Tiên, thành phố Hà Giang chia sẻ: “Sau đợt kiểm tra của Công an tỉnh, quán chúng tôi đã nhận rõ những thiếu sót, vi phạm của mình. Dưới sự tư vấn, hướng dẫn của Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH, chúng tôi đã tiến hành sửa chữa và thiết kế lại quán theo đúng hướng dẫn tại Điều 4, Thông tư số 149/2020/TT-BCA và Điều 9, Thông tư số 08/2018/TT-BCA của Bộ Công an. Qua đó đã được thẩm định phê duyệt sửa chữa, cụ thể: Xây dựng thêm 2 cửa thoát hiểm tại tầng 2 và 3; lắp biển báo chỉ dẫn trên lối thoát hiểm; thay toàn bộ cửa các phòng hát; mở rộng các phòng hát; trang bị đồng bộ hệ thống phương tiện về PCCC…”.
Nguy cơ về cháy nổ tại các quán karaoke, quán bar vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều. Để phòng ngừa và ngăn chặn, Phòng Cảnh sát PCCC – CNCH đã đưa ra phương hướng, như: Tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn cho nhân dân những kiến thức, kỹ năng xử lý cháy, nổ, thoát nạn khi có sự cố cháy nổ; phối hợp với các sở, ngành về rà soát công tác cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường; không cấp giấy phép đăng ký kinh doanh các dịch vụ trên khi chưa thực hiện đủ các điều kiện về an ninh, trật tự, PCCC. Thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các đối tượng thuộc diện thẩm duyệt, thiết kế về PCCC...
Bài, ảnh: Hoàng Yến